Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Đại Thanh Chung cư mới đã lắm chuyện

Hiện nay địa bàn Hà Nội có 478 chung cư thì mới chỉ có 95 nhà chung cư có BQT - chiếm chưa đầy 20% và đến hơn 80% vẫn do chủ đầu tư đứng ra quản lý vận hành dẫn đến việc vừa đá bóng vừa thổi còi. Tại Hà Nội những năm gần đây. quyền lợi giữa CĐT và cư dân mua nhà chung cư chưa bao giờ hài hòa nên việc có BQT là cần thiết. Nhưng để thành lập được Ban Quản trị chung cư vẫn còn là cả một chặng đường gian nan, chật vật.

Khi mới nhận nhà, do chưa có Ban Quản trị, chung cư hay cụm chung cư sẽ tạm do Ban Qủan lý cùa Chủ đầu tư đứng ra quản lý và vận hành nhưng vừa là CĐT lại vừa vận hành quản lý dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân về các khoản thu phí, về việc sử dụng diện tích chung, riêng chưa bao giờ có hồi kết.

   Chung cư mới đã lắm chuyện

Còn chung cư Đại Thanh- đường Phan Trọng Tuệ,Thanh Trì, Hà Nội gồm 6 tòa nhà, 3 tòa CT8 và 3 tòa CT10 mới đưa vào sử dụng khoảng 1 năm nhưng cư dân đã phải đối diện với một lọat vấn đề mâu thuẫn với chủ đầu tư về nước sinh hoạt thiếu, vệ sinh môi trường cảnh quan, thái độ phục vụ thiếu nhã nhặn của bảo vệ, diện tích chung bị CĐT tận dụng cho thuê để tận thu… Trong lúc chưa có ban quản trị, dân cư tập hợp thành các nhóm đấu tranh với CĐT. Một tòa nhà CT10 có tổ chức cơ cấu khá quy củ gồm các trưởng phó tầng và bầu ra Bạn Đại diện của tòa nhà. Trưởng Ban Đại diện là người năng có hiểu biết về luật, năng nổ nhiệt tình và dùng cách đấu tranh hiệu quả. Trong thời gian ngắn đã thay đổi cục diện khiến cuộc sống cư dân chuyển biến tích cực, các nhu cầu thiết yếu được đáp ứng. Nhưng khi Trưởng Ban Đại diện vừa tuyên bố vai trò Ban đại diện đã hết để dọn đường cho việc bầu Ban Quản trị làm việc về các vấn đề lớn hơn như phí bảo trì, giải trình thu chi, hạch toán tài chính của tòa nhà, tính toán diện tích thiếu hụt…thì Trưởng tòa nhà- người CĐT triệu tập cuộc họp trưởng phó tầng và sắp xếp để 3 người vốn có hiềm khích với Trưởng Ban Đại Diện vì bị phê phán nêu tên trên bảng trong sảnh tòa nhà do lúc đầu không chấp hành chủ trương chung của tòa, đã lần lượt tố ngược vị trưởng Ban đại diện này rằng nói năng, hành xử không làm vừa lòng người này người khác. Trưởng tòa nhà lập tức hô hào bầu lại Ban đại diện mới trong khi vị trưởng ban đại diện bỏ về vì cho rằng một Ban đại diện do người của CĐT cầm chịch để bầu thì sẽ không thể hoạt động khách quan độc lập vì quyền lợi của dân được. Sau khi Ban Đại diện mới ra đời đúng ý muốn và chặn lại ý định thành lập Ban Quản trị của Trưởng Ban đại diện cũ,. CĐT đưa ra thông báo làm sổ đỏ thu phí hơn 5 triệu đồng, trong đó đưa cả tiền xăng xe, lương cán bộ, pho to…dân không đồng tình nhưng ban Đại diện mới thì hoàn toàn yên ắng. Khi báo chí, cư dân vào cuộc đấu tranh và CĐT buộc phải lên tiếng dồng ý cho dân tự làm không cần phải qua thông CĐT nữa thì  BĐD mới có động tác  làm cho có là đề nghị các tầng viết đơn phản ánh với BQL mức phí thu như thế là cao. Sắp tới dân lại phải đóng các khoản thu phí dịch vụ trong khi các khoản thu phí của hơn 4000 hộ dân cùng với khoản thu từ hầm để xe tòa nhà, tiền cho thuê diện tích chung để kinh doanh…dân không biết được sử dụng ra sao, chi vào những việc gì thì CĐT chưa có một báo cáo giải trình nào. Dân cư rất bức xúc và đang cùng nhau tìm cách xúc tiến việc thành lập một BQT thực sự của dân một cách đúng luật để được chính quyền công nhận và bảo vệ lợi ích cư dân danh chính ngôn thuận.

Chung cư Nam Đô tại Trương Định- Hoàng Mai cũng được đưa vào sử dụng 1 năm và có nhiều vấn đề căng thẳng với CĐT về nước sinh hoạt bị ô nhiễm gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người dân. Cư dân cũng kiến nghị nhiều lần việc thành lập BQT nhưng không được đáp ứng nên cư dân phải làm việc với CĐT theo hình thức Ban Liên lạc.

Theo quyết định về Quản lý và sử dụng nhà Chung cư do UBND thành phố ban hành năm 2013 thì không quá 12 tháng chung cư đưa vào hoạt động và có hơn 50% dân về ở, CĐT phải tổ chức Hội nghị nhà Chung cư lần đầu để bầu Ban Quản trị và trình chính quyền ra quyết định công nhận BQT nhưng đã quá thời hạn 1 năm trôi qua, Cà chung cư Đại Thanh và Nam Đô đều dã ở gần 100% số dân nhưng chưa có hội nghị Chung cư lần đầu nào và CĐT thì đều không mảy may đả động đến việc thành lập BQT.  Dân đang nghĩ đến bước phải chủ động, tự soạn thảo nội quy Chung cư, quy chế BQT và lấy ý kiến cư dân rồi bầu ra BQT lâm thời để trình chính quyền từ đó chính quyền đề nghị CĐT cử người tham gia BQT.


Chung cư cũ còn chật vật gian nan

Chung cư mới đã vậy, chung cư cũ cũng chật vật việc lập BQT. Hai tòa nhà NC1 và NC2 ở La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội được đưa vào sử dụng từ năm 2008,  sáu năm đã trôi qua nhưng chưa có một BQT nào được thành lập. Thời gian gần đây, cư dân 2 tòa nhà không đồng ý việc Chủ Đầu tư là Công ty Comma 18 tự ý tăng giá dịch vụ khi không thông qua ý kiến của dân, không đồng tình việc theo lệ thời hạn 6 tháng một lần mà đơn vị vận hành quản lý nhà chung cư không chịu báo cáo giải trình tài chính các khoản thu chi trong việc điều hành quản lý tòa nhà. Việc tranh cãi về sở hữu diện tích riêng, chung giữa cư dân và CĐT cũng chưa ngã ngũ. Cư dân đã nhiều lần đề nghị CĐT tổ chức Hội nghị Chung cư để bầu Ban Quản Trị nhưng Chủ đầu tư lờ đi. Đến nay, cư dân đành tự mình soạn thảo nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư cùng với quy chế hoạt động của Ban Quản trị rồi tổ chức hội nghị trù bị lấy ý kiến cư dân đồng thời thông qua bản dự thảo Nội quy, Quy chế. Sau đó các hộ dân làm công văn đề nghị chính quyền địa phương là UBND quận Hà Đông, UBND phường La Khê có văn bản chính thức đề nghị Chủ đầu tư tổ chức Hội nghị chung cư bầu Ban Quản trị để giao quyền tự quản cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Tương tự như vậy,  một loạt các chung cư đưa vào sử dụng đã lâu như Chung cư M3, M4 Nguyễn Chí Thanh đưa vào hoạt động từ năm 2004 nhưng CĐT cũng lờ đi kiến nghị của dân về thành lập BQT, chung cư khu vực Trung Hòa-Nhân Chính, Nam Từ Liêm, Việt Hưng -Long Biên... cũng chưa có Ban quản trị và liên tục phát sinh những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày khó được giải quyết ngay.

Chính quyền vào cuộc gỡ rối

Việc CĐT không muốn thành lập BQT thậm chí là tìm cách ngăn cản cũng chỉ  vì dính dáng đến lợi ích. CĐT muốn gắn trách nhiệm của mình với tòa nhà nhưng lại không muốn minh bạch các khoản thu chi- điều mà cư dân mong muốn. Nếu thành lập BQT thì CĐT chỉ có 1 người trong BQT mà hoạt động của BQT thì tuân theo nguyên tắc đa số nên tiếng nói CĐT sẽ yếu thế không thể muốn làm gì thì làm.

BQT khó thành lập do vướng mắc với CĐT làm chung cư không có BQT là nguyên nhân lớn nhất nhưng cũng có trường hợp cư dân chung cư không mặn mà với việc thành lập BQT. Có những hội nghị chung cư không có đủ 50% số cư dân tham gia nên  không đủ điểu kiện để bầu BQT vì thế mà có Hội nghị chung cư người trong BTC phải bê thùng phiếu đi đến từng nhà để thúc cư dân bỏ phiếu đáp ứng yêu cầu việc bầu BQT đúng với luật định.

 Trước tình trạng này, hiện nay UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư để đôn đốc các CĐT khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo đúng quy định và phối hợp với UBND các quận, huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư đồng thời sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân cản trở việc thành lập BQT nhà chung cư..

Hy vọng với các hành động quyết liệt của chính quyền, các tòa nhà chung cư sẽ nhanh chóng cố BQT để tiếng nói cư dân sinh sống tại nhà chung cư sẽ bình đẳng với CĐT trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình./.

Như Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét